Bói Cảm Xạ – Pháp Thuật Huyền Bí Hay Thủ Thuật Khoa Học?
Trong thời gian dạo gần đây, con lắc cảm xạ đang là một trong những công cụ được mọi người quan tâm và sử dụng cho mục đích tiên tri. Con lắc cảm xạ được xem là công cụ thiết yếu trong bộ môn cảm xạ học, hay bói cảm xạ.
Nhưng bói cảm xạ là gì? Đó là một dạng pháp thuật huyền bí hay là một thủ thuật có dựa trên cơ sở khoa học? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời qua bài viết này nhé!
Bói Cảm Xạ Trong Các Nền Văn Minh
Thí nghiệm với con lắc có thể được xếp vào nhóm các nghiên cứu tình huống liên quan đến thủ thuật bói cảm xạ. Từ bói cảm xạ (divining) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp rhàbdos, có nghĩa là cây gậy hoặc đũa bói (dowsing rod) và từ manteìa có nghĩa là bói toán, tiên đoán, nó nói đến việc tìm kiếm con người hoặc đồ vật bị ẩn giấu bằng cách quan sát dao động của một đũa bói.
Các tài liệu trong lịch sử có đề cập đến thủ thuật này đầu tiên phải kể đến là kinh Cựu Ước và các nghi thức tiên tri sử dụng mũi tên hoặc gậy thiêng (Ê-xê-ki-ên XXI, 21). Những tình tiết nổi tiếng nhất là khi Môi-se tách nước của Biển Đỏ bằng cách giương cao cây gậy của mình (Xuất Ê-díp-tô Ký XIV, 15-16) và khi ông đập vào tảng đá, một lần nữa cũng bằng cây gậy của mình, khiến nước từ đó phun ra (Xuất Ê-díp-tô Ký XVII, 5-7). Một câu nói nổi tiếng khác nữa là: “Dân Ta cầu vấn các tượng gỗ, cây gậy của chúng hướng dẫn họ” (Ô-sê IV, 12). Song, không có đủ chi tiết để xác định liệu trong thực tế đã có những phép thực hành bói cảm xạ có thật và thực đã xảy ra như vậy trong những tình tiết này hay không.

Tuy thế, trong các nền văn minh Etrusca và La Mã đã tồn tại các hoạt động tiên tri tương tự như các hoạt động bói cảm xạ ngày nay. Các hoạt động này nằm trong các nghi thức báo trước việc sử dụng nhiều loại công cụ khác nhau, trong số đó có lituus (gậy bói hoặc gậy đoán điềm) – một cây trượng cong dùng để xác định các quyết định chính trị và quân sự quan trọng hoặc để xác định các địa điểm xây dựng – aquìlegus – một que thăm dò dùng để khám phá nguồn nước – và anulus – một chiếc vòng kim loại hoặc một chiếc vòng làm từ sợi thực vật được dùng để bói cảm xạ tương lai và là tiền thân của con lắc cảm xạ.

Với người La Mã, việc cử hành các nghi thức này là một đặc quyền chỉ dành cho giai cấp tư tế. Thời Trung Cổ, chúng đã hoàn toàn thay đổi, trở thành các thủ thuật tiên tri thông dụng, ví dụ như thủ thuật “rà soát bề mặt” hoặc “làm đũa bói giật rung lên”, được dùng để xác định thủ phạm gây ra một tội ác hoặc để tìm nguồn nước hoặc mỏ quặng.
Vào thời Phục Hưng, những phép thực hành này đã trở thành đối tượng của sự suy đoán lý thuyết. Theo ý kiến của số đông, que dò hình chữ Y của người bói cảm xạ chuyển động là do những con quỷ dưới lòng đất di chuyển. Tuy nhiên, số khác đã giải thích hiện tượng này bằng một đề xuất về sự tồn tại của các “hạt/tiểu thể” phát ra từ chất đang được tìm kiếm.
Cuối những năm 1700, sau các thí nghiệm được tiến hành ở nhiều nơi ở Châu Âu, những điều mê tín cổ xưa đã nhường chỗ cho những lý thuyết mới. Chúng thường ngông cuồng và được lấy cảm hứng từ các nghiên cứu mới nhất về hiện tượng từ tính hoặc hiện tượng điện. Đây cũng là thời kỳ mà, cùng với que dò của người bói cảm xạ, con lắc bắt đầu được sử dụng. Ấy thế mà, bất chấp những đổi mới này, việc thực hành bói cảm xạ vẫn bị coi là có liên quan đến phép thuật vào những năm 1800.
Đến đầu những năm 1900, các nhà tâm lý học và các nhà khoa học có sự quan tâm lớn đối với hiện tượng huyền bí, nhờ vào đó, việc nghiên cứu về bói cảm xạ cũng tăng lên. Một khía cạnh mới là độ nhạy cảm đã được đưa vào định nghĩa của thủ thuật xưa cổ này, và người ta cũng nhận dạng được đặc tính siêu hình hoặc huyền bí của các hiện tượng có thể quan sát được. Có nhiều trường phái tư tưởng khác nhau đã ra sức giải thích các cơ chế huyền bí của thuật bói cảm xạ, và song song đó đặt ra các quy tắc để thực hành môn nghệ thuật cổ đại này.
Bói Cảm Xạ Là Gì?
Như đã đề cập ở trên, bói cảm xạ (divining) là một thủ thuật nhằm khám phá vị trí của các chất hoặc đồ vật bị ẩn giấu bằng một công cụ giúp người đó tiếp xúc với các chất hoặc đồ vật đó.
Mặc dù hiệu quả của phương pháp này có thể xác định được chắc chắn, nhưng cơ chế hoạt động hàm ẩn thì vẫn chưa rõ ràng. Trong vô vàn các lý thuyết và thường là mâu thuẫn nhau, nổi lên hai trường phái cơ bản: một ủng hộ bói cảm xạ vật lý (divining physics) và một ủng hộ bói cảm xạ tâm lý (mental divining).
Theo nhóm “các nhà vật lý học”, cơ thể con người chẳng khác gì một trạm tiếp nhận có khả năng thu các trường điện từ của các vật thể khác dù là vật sống hay vật vô tri vô giác. Từ quan điểm này, con người có khả năng, trong số rất nhiều những khả năng khác, trở thành vật truyền sóng từ trường. Do đó, bói cảm xạ có thể được coi là một khả năng bẩm sinh, không những có thể phát triển thông qua đào tạo mà còn thông qua việc sử dụng các thiết bị cụ thể như máy đo dao động/máy hiện sóng, máy nội soi hoặc máy đo từ trường. Nhiều thí nghiệm đã được tiến hành để chứng minh lý thuyết này bằng các công cụ nói trên.
Trong khi đó, theo nhóm “các nhà tâm lý học”, việc bói cảm xạ đòi hỏi người thực hành phải có vài đặc điểm nhất định nào đó, chẳng hạn như một khả năng thuộc về tiềm thức cho thấy gốc gác của năng lực ngoại cảm bẩm sinh. Trong trường hợp này, bất kỳ hoạt động cơ học nào, chẳng hạn như điều chỉnh sợi chỉ hoặc dây xích, hoặc phân tích các yếu tố cần nghiên cứu đều là hoạt động phụ. Yếu tố chính là năng lực tâm trí của người thực hiện. Trong thực tế, đũa bói và con lắc cảm xạ, cũng như quả cầu pha lê và các lá bài, được coi là phương tiện hữu ích để tạo điều kiện cho những khả năng huyền bí của một người nhạy cảm lộ diện, chứ không phải để nhận thông điệp từ trường điện từ.

Lập luận của “các nhà tâm lý học” có vẻ như được xác thực qua những khám phá từ bản đồ, ảnh chụp và bản vẽ, cũng như vô số phát hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đã được những người thực hành bói cảm xạ thuộc trường phái này thực hiện.
Tuy nhiên, ngoài những động cơ là nguyên nhân gây ra cuộc tranh luận xưa cũ này giữa “các nhà vật lý học” và “các nhà tâm lý học”, có thể nói phương pháp của hai trường phái chỉ có một chút khác biệt. Trong cả hai trường hợp, người thực hành, ngoại trừ những người có khả năng đặc biệt, đều cần sử dụng một công cụ tìm kiếm. Trong số này phổ biến nhất và được sử dụng nhiều nhất là con lắc cảm xạ. Nó chiếm ít không gian nhất và cũng không chịu nhiều ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài.
Sử dụng con lắc cảm xạ rất đơn giản. Đầu tiên là thiết lập một mã hiệu cá nhân; với mã hiệu này, một người có thể diễn giải các dao động hoặc chuyển động tuyến tính của con lắc thành các câu trả lời có hoặc không. Sau bước này, người thực hành có thể tiến triển công việc của mình, luôn luôn tuân theo “quy luật” của bộ mã.

Khi đối tượng nghiên cứu đã được xác định (ví dụ như chất lỏng, kim loại, đồ vật, con người hoặc căn bệnh), người thực hành cần ở cùng bước sóng với đối tượng và trong đầu hình thành một câu hỏi sao cho câu trả lời hoặc ở thể khẳng định, hoặc ở thể phủ định. Ví dụ: “Có phải nó ở chỗ này không?” hoặc “Cái này có phải là nó không?”.
Với các câu trả lời khác, bạn có thể tìm chúng qua số lần dao động của con lắc. Rõ ràng cần một “quy luật” thiết lập trước, trong đó quy định số lần dao động là bao nhiêu thì sẽ tương ứng với một khoảng cách, một số lượng, số ngày, số năm, số tháng cụ thể, hoặc tương ứng với cường độ của chất liệu vật lý hoặc tâm lý tùy vào đối tượng đang được tìm kiếm.
Tuy nhiên, làm đúng trình tự tự nhiên vẫn là việc quan trọng. Bói cảm xạ là một bộ môn của rèn luyện trí óc, và do đó, để trở thành một người thực hành thuần thục và có nền tảng vững vàng, điều cần thiết là phải tiếp thu đầy đủ các hướng dẫn.
Mọi người có thể bồi dưỡng khả năng của bản thân thông qua sự ngâm cứu lý thuyết chuyên sâu hơn, và quan trọng trên hết thảy vẫn là việc nghiên cứu cá nhân. Có thể thử nghiệm và so sánh các kỹ thuật của cá nhân với kết quả thu được từ các nhà nghiên cứu khác.

Nguồn: Pendulum – Power and Magic
Để lại một bình luận